Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy TP Thủ Đức chú trọng là đề xuất các cơ chế quản lý nhà nước đặc thù cho TP Thủ Đức như: Cơ chế đặc thù về tài chính; thu hồi, tạo quỹ đất; chính sách đầu tư phát triển
Thành ủy Tp.Thủ Đức và Tp.HCM, vừa có thông báo kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tp.Thủ Đức khóa I về thực hiện phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.
Theo đó, Thành ủy Tp.Thủ Đức xác nhận một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là hoàn thành việc sắp xếp, sớm ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, chương trình năm.
Cùng đó là tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại và những nội dung còn tồn đọng, bức xúc kéo dài của người dân.
Trong năm, TP Thủ Đức xác định sẽ thực hiện 26 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu pháp lệnh (8.327 tỉ đồng); tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách phấn đấu đạt 1.080 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng do TP Thủ Đức quản lý tăng tối thiểu từ 7% so với ước thực hiện năm 2020; đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách đạt 95% kế hoạch…
TP Thủ Đức cũng lên danh mục 31 công trình trọng điểm sẽ được tập trung đầu tư trong năm 2021. Trong đó có 15 công trình, dự án phải hoàn thành trong năm như xây dựng năm trường học; xây dựng Trạm ép rác kín Sở Gà; nâng cấp mở rộng đường Lê Văn Việt; xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Sài Gòn (phường Thảo Điền); nạo vét, cải tạo rạch Cầu Ngang; bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng đường Lương Định Của và nút giao Trần Não – Lương Định Của…
Đồng thời, TP Thủ Đức sẽ khởi công xây dựng 16 công trình trọng điểm khác, trong đó có chín trường học; xây dựng cống thoát nước đường Võ Văn Ngân; xây dựng cống thoát nước dọc đường ray xe lửa (phường Linh Đông); xây dựng đường và thoát nước quốc lộ 13 cũ; nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai…
TP Thủ Đức cũng tập trung giải quyết các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án trọng điểm, gồm: Khu Công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình; bổ sung chính sách áp dụng cho dự án Đại học Quốc gia TPHCM.
Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, các dự án đầu tư trên địa bàn TP Thủ Đức, ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy TP Thủ Đức chú trọng là đề xuất các cơ chế quản lý nhà nước đặc thù cho TP Thủ Đức như: Cơ chế đặc thù về tài chính; thu hồi, tạo quỹ đất; chính sách đầu tư phát triển; chính sách đấu thầu dự án hoặc đấu giá đất và huy động tài chính cho dự án hạ tầng; chính sách ưu đãi đối với nhóm các cá nhân, tổ chức cần thu hút hoạt động kinh doanh.
TP Thủ Đức cũng chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình, đề án do TP.HCM triển khai. Năm chương trình, đề án mà TP Thủ Đức thực hiện theo chương trình đột phá đổi mới quản lý TP.HCM gồm: Đề án xây dựng TP.HCM giai đoạn 2021-2025, trong năm TP Thủ Đức sẽ tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông; chương trình chuyển đổi số tại TP Thủ Đức; đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM; đề án phối hợp tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chương trình cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2020-2025.
TP Thủ Đức cũng thực hiện dự án phát triển hạ tầng viễn thông 5G trên địa bàn; đề án xây dựng công viên phần mềm Thủ Đức; phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện đề án xây dựng Trung tâm tính toán hiệu năng cao, chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.