“Đừng tăng giá đất, kìm giá giúp dân”
Hàng loạt địa phương đang điều chỉnh tăng bảng giá đất nhưng các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, cần cân nhắc để doanh nghiệp (DN) một số ngành hồi phục, phát triển để thu lâu dài.
Nhằm hỗ trợ một số ngành phục hồi
Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài ông Nguyễn Văn Toàn nhận định việc tăng bảng giá đất địa phương không chỉ tác động tới việc thu hút đầu tư nước ngoài mà còn tác động đến cả giá bất động sản.
Để việc tăng giá đất không ảnh hưởng tới kinh tế – xã hội địa phương, theo ông Toàn, cần có những giải pháp phù hợp, cân nhắc việc tăng giá đất trong bài toán tổng thể phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Mỗi lần tăng giá đất sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực kinh tế khác.
Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lưu ý khi tăng bảng giá đất, cơ bản chỉ Nhà nước được lợi trước mắt. Vì chỉ những người dân được đền bù, giải phóng mặt bằng được lợi. Trong khi toàn dân phải tăng nộp thuế, nhất là khi giao dịch bất động sản. DN bất động sản thì chi phí tăng, người trẻ càng thêm khó mua nhà…
Vị lãnh đạo này cho rằng trong bối cảnh hiện nay nên giảm giá đất trong các bảng giá đất địa phương. Nếu không cho tất cả thì cần ưu tiên giảm cho ngành hạ tầng giao thông, du lịch, nhà ở, công nghệ cao… để các ngành này giảm bớt khó khăn, có cơ hội phục hồi và thu hút đầu tư.
Đừng khiến “ngạt thở” thêm
Ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN, cũng nêu quan điểm không ủng hộ các địa phương điều chỉnh tăng giá đất trong thời điểm hiện tại. Theo vị này, việc tăng giá đất giúp tăng nguồn thu ngân sách địa phương nhưng lại làm khó DN trong bối cảnh DN đang “ngạt thở” vì dịch bệnh COVID-19.
Theo ông, việc tăng bảng giá đất địa phương khiến các DN sản xuất đang thuê đất phải tăng chi phí. Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, DN luôn cần sự “hà hơi tiếp sức” của Nhà nước, vì vậy không nên tăng giá đất. Bảng giá đất tăng đồng nghĩa với tăng giá bất động sản lên, chi phí thuê mặt bằng, nhà xưởng, văn phòng cũng tăng. Chi phí DN tăng lên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay có thể khiến một số DN chết nhanh hơn. Như vậy, các địa phương sẽ mất đi động lực tăng trưởng kinh tế, mất nguồn thu lâu dài, trong dài hạn Nhà nước sẽ mất nhiều hơn được.
Ông Đính khuyến cáo để tạo nguồn thu lâu dài, các địa phương không nên tăng giá đất trong bối cảnh dịch bệnh. Ngược lại, khi thị trường bất động sản đang có xu hướng suy giảm như hiện nay, các địa phương cần phải giảm bảng giá đất cho phù hợp.
Điều này giúp các địa phương nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, dù thu ngân sách trước mắt có thể giảm. Việc hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch bệnh là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài của tất cả các địa phương.