Dù thị trường bất động sản chịu nhiều tác động tiêu cực từ Covid-19, song giá nhà ở năm 2020 vẫn tăng. Bộ Xây dựng lưu ý giá này chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản.
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV/2020 và cả năm 2020.
Theo đó, quý IV/2020, cả nước có 35.820 giao dịch bất động sản thành công, con số của cả năm là 115.420 giao dịch. Tình hình giao dịch trên thị trường trong năm 2020 giảm so với năm 2019.
Trong khi đó, giá căn hộ chung cư vẫn có xu hướng tăng. Giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội quý IV/2020 tăng 2-3%; tại TP.HCM tăng 3-4% so với cùng kỳ năm 2019. Các căn hộ bình dân có tỷ lệ tăng giá mạnh hơn nhất, kế tiếp là căn hộ trung cấp.
Các dự án có căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu rất ít, hầu như chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển. Tại Hà Nội, có thể kể đến dự án Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì, CT3-CT4 Kim Chung, Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế – Chèm, Dự án Phú Thịnh Green Park, Hà Đông, chung cư Tasco Xuân Phương. Tại TP.HCM thì hầu như không có dự án có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu/m2.
Đa số dự án chung cư mới tại Hà Nội được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp và có giá bán dao động 30-40 triệu đồng/m2, tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Tại TP.HCM, chung cư phân khúc trung cấp có giá cao hơn tại thị trường Hà Nội, dao động khoảng 35-45 triệu/m2.
Đối với căn hộ cao cấp, Hà Nội có chung cư The Nine – Phạm Văn Đồng với giá khoảng 50 triệu/m2, chung cư The Matrix one giá 55-60 triệu/m2, Dự án D’. Le Roi Soleil – Quảng An giá khoảng 80 triệu/m2, dự án Grandeur Palace Giảng Võ giá khoảng 80 triệu/m2.
Tại TP.HCM, dự án chung cư The Tresor, quận 4 có giá khoảng 60-70 triệu/m2, Dự án Saigon Royal, quận 4 có giá khoảng 90 triệu/m2, dự án chung cư Sadora, quận 2 giá khoảng 70 triệu/m2.
Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cũng có xu hướng tăng hơn so với năm 2019. Một số khu vực đất đai do người dân quản lý trong làng xã các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức (Hà Nội) có mức giá 25-30 triệu/m2, tăng 50% so với năm 2019; các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30%.
Tại TP.HCM, kể từ sau thông tin sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt. Trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam thuộc quận 9, vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m2; tại phường Trường Thọ, Thủ Đức, giá đất đã lên tới 70-90 triệu đồng/m2, tăng 40%.
Bộ Xây dựng nhìn nhận giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở hiện chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
“Giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn cho thị trường bất động sản tại một số khu vực (như các khu vực dự kiến quy hoạch lên quận của Hà Nội, khu vực thành lập TP Thủ Đức – TP.HCM, TP Phú Quốc – tỉnh Kiên Giang)”, Bộ lưu ý.
Trong khi đó, tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn. Các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều là Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương.
Các tỉnh/thành phố, đô thị lớn, tập trung như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như Cần thơ, Long An, Đồng Nai cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định của thị trường bất động sản, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.
Xem thêm các bài viết khác: